Lý do hàng đầu khiến phụ nữ rời bỏ các công việc học thuật là do “môi trường làm việc kém”, có thể bao gồm phân biệt đối xử, lãnh đạo kém hiệu quả, cảm giác không hoà nhập - theo một nghiên cứu khảo sát hàng nghìn học giả Mỹ.

Nhà xã hội học Kimberlee Shauman tại Đại học California (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết các nghiên cứu về việc duy trì công việc học thuật có xu hướng tập trung vào các cơ sở nghiên cứu riêng lẻ, nhưng nghiên cứu mới cung cấp một góc nhìn hiếm và bao quát nước Mỹ. Vì lý do này, kết quả “cho chúng ta một bức tranh đáng tin cậy và chính xác hơn nhiều về xu hướng công việc", cô nói. Nghiên cứu mới được đăng ngày 20/10 trên tạp chí Science Advances.

Để tìm hiểu tỷ lệ nghỉ việc tại các cơ sở nghiên cứu của Mỹ, nhóm tác giả phân tích hồ sơ việc làm của 245.270 người giữ các vị trí chính thức (bao gồm giáo sư và phó giáo sư) hoặc vị trí theo hợp đồng có thời hạn, từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả, phụ nữ có nguy cơ rời bỏ vị trí công việc cao hơn so với nam giới ở tất cả các giai đoạn sự nghiệp. Không dừng lại ở đó, khoảng 15 năm sau khi các học giả nhận bằng tiến sĩ - giai đoạn sau của sự nghiệp khi nhân sự thường đã có vị trí chính thức, nguy cơ rời bỏ công việc của nữ giới trở nên cao hơn nữa.

Ban đầu, nhóm tác giả kỳ vọng nguy cơ rời bỏ công việc giữa nữ giới và nam giới sẽ chênh lệch lớn ở giai đoạn đầu sự nghiệp, khi làm việc theo hợp đồng, sau đó thu hẹp khi nhân sự đã nhận vị trí chính thức, nhưng kết quả cho thấy ngược lại, theo Katie Spoon, nhà khoa học xã hội tính toán tại Đại học Colorado Boulder, đồng tác giả nghiên cứu mới.

Phụ nữ đảm nhiệm các chức vụ học thuật có nhiều khả năng rời đi hơn so với các đồng nghiệp nam giới.

“Thật ngạc nhiên và có phần đáng buồn khi ngay cả sau khi đạt được vị trí chính thức, phụ nữ vẫn có nguy cơ rời bỏ công việc học thuật cao hơn", Shauman nói.

Để hiểu lý do, Spoon và các đồng nghiệp khảo sát thêm 7.195 giảng viên đang làm việc, 433 người đã rời bỏ công việc học thuật nhưng chưa nghỉ hưu và 954 người đã nghỉ hưu. Kết quả, tỷ lệ cảm thấy bị loại trừ khỏi ngành học thuật, thay vì bị thu hút đến một cơ hội làm việc tốt hơn ở nơi khác, ở nhân sự nữ giới cao hơn 44% so với nam giới.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra môi trường làm việc là lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ rời bỏ ngành học thuật. Ngược lại, nam giới thường viện dẫn các lý do nghề nghiệp, chẳng hạn như lương thấp hoặc áp lực xuất bản.

“Đối với tôi, điều này không có gì đáng ngạc nhiên", Thema Monroe-White, nhà nghiên cứu phát triển giáo dục và lực lượng lao động tại Đại học Berry (Mỹ), cho biết. Monroe-White tập trung nghiên cứu trải nghiệm của những người thuộc nhóm thiểu số trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Trong các ngành này, môi trường làm việc từ lâu đã được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghỉ việc.

Monroe-White lưu ý rằng nghiên cứu mới không mô tả vấn đề chủng tộc và sắc tộc ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp học thuật. Việc thu gọn phụ nữ thuộc tất cả các chủng tộc/dân tộc thành một nhóm sẽ dẫn đến bỏ lỡ những khác biệt ngầm ẩn, cô nói, lưu ý thêm “khi chúng ta nói về phụ nữ, chúng ta thường nói đến phụ nữ da trắng”.

Shauman còn cho rằng, định nghĩa về môi trường làm việc là một hạn chế khác của nghiên cứu. Nhóm Spoon tập trung vào môi trường tại các tổ chức nghiên cứu của người trả lời, nhưng trải nghiệm học thuật cũng được định hình bởi các yếu tố bên ngoài như thái độ của các biên tập viên tạp chí. Theo Shauman, mọi người trong ngành học thuật đều chia sẻ trách nhiệm trong việc tạo ra môi trường làm việc.

Nguồn: